Bạn đã từng lắng nghe một giai điệu dường như vang vọng từ quá khứ, và cảm thấy một nỗi nhớ nhung không thể diễn tả? Bạn có thể đã sống trong thời kỳ đó hoặc không nhưng chúng ta đều có chung một nỗi hoài niệm đối với những điều xưa cũ. Đó không chỉ là nỗi nhớ về sự giản dị của một thời đã qua mà còn là khát vọng kết nối với cảm giác bình yên và mục đích mà dường như khó nắm bắt trong cuộc sống hiện đại. Giữa sự ồn ào và vội vã, nơi thành tựu bên ngoài thường át đi tiếng nói nội tâm, chúng ta khao khát một điều gì đó sâu sắc hơn. Cuộc tìm kiếm này không mới; nó đã tồn tại qua các thế hệ và được phản ánh trong nghệ thuật và âm nhạc của các nền văn hóa cổ đại. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu tới bạn một tác phẩm hiện đại sẽ giúp chúng ta tái kết nối với những giá trị sâu sắc ấy – “Cổ phong” của Dàn nhạc giao hưởng Shen Yun.
Một sáng tác của Giám đốc nghệ thuật D.F. và phối bởi Tịnh Huyền, “Cổ phong” mang tới cho ta cơ hội thưởng thức chân thật nhất về vẻ đẹp và tinh thần của âm nhạc Trung Hoa cổ đại. Vốn là bản nhạc được viết riêng cho đàn nhị hồ và piano, và được biểu diễn toàn cầu trong chuyến lưu diễn năm 2018 của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, nay được tái hiện lại thành bản hợp tấu ba đàn nhị hồ cùng dàn nhạc giao hưởng.
Đàn nhị truyền thống của Trung Quốc, với âm hưởng sâu lắng chỉ từ hai dây, kể những câu chuyện về đức hạnh, sự thanh nhã và sức mạnh bền bỉ của phụ nữ thời xưa. Trong một thế giới thường đánh đồng giá trị thành công bên ngoài và vẻ đẹp thật sự bên trong, “Cổ phong” mang đến một sự tương phản tươi mới. Nó nêu lên các lý tưởng cổ xưa, những lý tưởng tôn vinh sự nuôi dưỡng tâm hồn và thế giới nội tâm của con người hơn bất cứ điều gì khác. Bằng âm thanh tinh tế nhưng vững chắc của mình, đàn nhị cho ta thấy sức mạnh thật sự xuất ra từ một nội tâm mạnh mẽ và lối sống thanh nhã đã định hình nên người phụ nữ thời xưa và vẫn còn truyền cảm hứng cho thế hệ ngày nay.
Vai trò của âm nhạc trong văn hóa Trung Hoa cổ đại
Trong văn hóa Trung Hoa xưa, âm nhạc không chỉ là phương tiện giải trí mà còn được xem là món quà từ thiêng thượng để giúp con người giao tiếp với thần linh và duy trì sự ổn định trong xã hội. Trong các nghi lễ và lễ hội, âm nhạc được dùng để thể hiện lòng thành kính và tôn trọng với các đấng thần linh trong Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng khác.
Chính vì khả năng tác động sâu sắc lên nhận thức của con người mà âm nhạc qua các triều đại đều được chú trọng phát triển, đặc biệt trong thời kỳ nhà Đường. Không những vậy, nó còn phải tuân thủ chặt chẽ theo các tiêu chuẩn đạo đức. Bởi vì các tiền nhân tin rằng biểu hiện của âm nhạc chính là biểu hiện của đất nước, nếu âm nhạc bất thuần và hỗn loạn thì vận mệnh của triều đại đó cũng sẽ sớm điêu tàn. Do đó, các vị hoàng đế rất coi trọng vấn đề này, vừa là để thưởng thức, vừa liên quan đến quốc gia đại sự. Các nhạc sĩ cổ đại sẽ gánh vác trọng trách to lớn được Hoàng đế giao phó, chuyên thu thập các tác phẩm cổ, sáng tác nhạc mới và biểu diễn trong các buổi lễ và yến tiệc hoàng gia. Những nhạc sĩ này không chỉ là những nghệ nhân tài ba mà còn là những triết gia, những người hiểu sâu sắc về triết lý cuộc sống. Những bản nhạc họ sáng tác được đánh giá cao vì khả năng nuôi dưỡng cảm quan và nhận thức của người nghe thông qua nội hàm thâm thúy lồng trong tác phẩm.
Như đã đề cập ở trên, trong nền văn hóa xa xưa này, âm nhạc là biểu hiện mạnh mẽ của niềm tin đạo đức. Âm nhạc càng tinh tế, càng thuần khiết thì càng có giá trị cao và khả năng nâng cao ý thức thẩm mỹ và trình độ nghệ thuật của xã hội càng lớn. Sự tinh khiết của âm nhạc tượng trưng cho trạng thái hòa hợp và yên bình trong xã hội, đối lập rõ ràng với sự hỗn loạn được biểu thị bởi âm nhạc bất thuần hay “tà ma”.
Ngay cả ngày nay, dù không trải nghiệm trực tiếp, sự quyến rũ của các xã hội cổ đại vẫn thu hút khán giả hiện đại. Sự giản dị, thanh lịch và hình ảnh thơ mộng của những thời đại đó luôn tương phản với cuộc sống đương đại phức tạp và bận rộn, khiến chúng ta khao khát cuộc sống đơn thuần và tự tại của quá khứ. Những hình ảnh mây xanh, nước biếc, ngao du thiên hạ, nhảy múa dưới ánh mặt trời, nghêu ngao theo vầng trăng, tất cả đều đầy ý vị và chất thơ.
Nhưng làm sao để thực sự biết thế nào là âm nhạc cổ xưa? Đây là lúc để bàn về tác phẩm “Cổ phong” của Dàn nhạc giao hưởng Shen Yun. Dựa trên nghiên cứu sâu sắc và niềm đam mê thuần khiết đối với văn hóa truyền thống, tác phẩm này mang đến một cái nhìn chân thực về phong cách âm nhạc của thời cổ đại và tư duy của các nghệ sĩ thời đó.
Màn giới thiệu trang nhã cùng giai điệu của đàn nhị hồ
Mở đầu tác phẩm, ba cây đàn nhị dẫn dắt giai điệu chủ đề, hòa cùng sự xuất hiện của các nhạc cụ khác như clarinet và sáo. Những giai điệu này hòa quyện vào nhau, tạo thành một tấm thảm âm nhạc sinh động như thể sự thức tỉnh và sinh sôi của vạn vật. Cổ nhân dạy rằng khi lấy trung hòa dùng cho chính mình thì mọi sự tự khắc phát triển. Ở đây, giai điệu của đàn nhị không chỉ đại diện cho các đức hạnh cao quý của phụ nữ cổ xưa, như Shen Yun đã nhấn mạnh, mà còn có thể hiểu xa hơn thế. Nó phản ánh tâm thái và khí độ của một người. Khi tâm thái bình hòa, tấm lòng rộng mở, chúng ta có thể lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi thứ xung quanh, và ngược lại, chính sự bao la của thế giới dường như cũng đang ngự trong tâm mình. Khi nghe thanh âm của tiếng đàn nhị, ta có thể cảm nhận sự phát triển của cảnh vật, nhưng cũng thầm cảm thấy một mầm non mới đang đâm chồi trong chính chúng ta.
Một điều gì đó được thức tỉnh nhờ vào không gian đủ rộng lớn khi người ta chịu mở tâm, mở trí, đủ điều kiện để sinh trưởng bằng lối sống đạo đức và thanh cao từng ngày. Do đó, bức tranh yên bình được vẽ bởi âm nhạc không chỉ minh họa sự hài hòa giữa con người và vũ trụ, hay cách con người tác động vào tự nhiên, mà còn phản ánh cách nuôi trồng hạt giống hạnh phúc trong tâm hồn mỗi người. Đó là một nỗ lực hàng ngày, kiên định và chuẩn mực, giống như việc chăm sóc một khu vườn, đảm bảo rằng nó có thể phát triển bền bỉ và khỏe mạnh.
Và đến cuối cùng là mong cầu đạt được trạng thái Thiên-Nhân hợp nhất như trong vũ trụ quan của người xưa. Ý tưởng này được biểu thị trong giai điệu của các nhạc cụ theo sau, như sáo ở phần mở đầu và oboe ở phần triển khai ((1:44)), gần như lặp lại giai điệu của đàn nhị, tượng trưng cho sự đồng hóa giữa các cõi khác nhau.
Thời xưa, từ hoàng đế đến thứ dân đều lấy việc tu thân, tu tâm làm trọng, từ đó đạt được liên kết với cảnh giới cao, cảm ứng được với Thần. Dù trong lề lối ứng xử, thực hiện bổn phận chức vụ, hay trong cuộc sống cá nhân, người xưa luôn nhấn mạnh việc tự phản tỉnh. Làm người phải ngay thẳng, phóng khoáng nhưng vẫn không vượt qua phép tắc, nên cả khi ngẫu hứng, sáng tác nghệ thuật cũng chú ý đến nội hàm.
Và vì con người tự rèn dũa bản thân, tự thấm nhuần những giá trị nhân văn sâu sắc, tự đề cao ý thức thẩm mỹ qua năm tháng mà các tác phẩm của họ đều tự động thuần theo con đường tinh thần cao hơn. Nghệ thuật của họ dần là lời bộc bạch từ cảm ngộ nhân sinh, chia sẻ những hiểu biết về cuộc sống và vũ trụ. Những kẻ sĩ thời xưa còn dùng nhạc để truyền tải những thể ngộ trong Đạo, trong khi các bậc thánh nhân và hoàng đế lại sử dụng nó để giáo hóa thiên hạ. Do đó, âm nhạc cổ đại không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn chứa đựng hàm ý sâu xa, có tác động mạnh mẽ đến tâm hồn và tâm trí của người nghe. Và là một người thưởng thức, chúng ta có thể thông qua thăng hoa đạo đức mà từng bước thể nghiệm được nội hàm thâm sâu trong ấy.
Phát triển chủ đề chính: Mềm mại nhưng mạnh mẽ
Ở ((1:13)), dàn nhạc phát triển chủ đề chính rõ ràng hơn. Những chiếc tì bà khởi đầu, phóng những nét chấm phá và sau đó đàn nhị liền nối những điểm đó lại. Linh động nhưng có chủ ý, phóng khoáng nhưng chuẩn mực tạo nên một nét sống rất trọn vẹn của người xưa, cũng là thể hiện của triết lý trung dung, không quá mức cũng không hời hợt.
Ở đây, chúng ta có thể thấy vai trò của đàn violin trong tác phẩm rõ ràng hơn. Một số người có thể thắc mắc liệu sự xuất hiện của violin, thường gắn liền với âm nhạc cổ điển phương Tây, có làm giảm đi tính chân thực của một tác phẩm dựa trên phong cách cổ xưa của Trung Hoa hay không. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, sự xuất hiện này làm phong phú cảm nhận về bối cảnh xã hội khi ấy. Văn hóa 5.000 năm của Trung Quốc rất rộng lớn và gắn kết chặt chẽ với toàn bộ nền văn minh nhân loại, biểu hiện ra sức dung hợp có thể dung chứa và sức sống mạnh mẽ qua nhiều thế kỷ, đặc biệt là thời kỳ Đại Đường thịnh thế. Khi ấy, bằng một tâm thế khai phóng, xã hội mở rộng và dung hòa các ảnh hưởng khác nhau tạo ra một nền văn hóa bao dung nên trở nên vĩ đại.
Tương tự, trong “Cổ phong”, việc sử dụng violin không tạo ra sự nhầm lẫn; ngược lại, nó thêm một lớp nghĩa để biểu đạt khí chất và phong thái của thời đó. Sự kết hợp này làm cho tác phẩm vừa cộng hưởng với lịch sử vừa dễ tiếp cận với khán giả hiện đại, hiệu quả thu hẹp khoảng cách giữa chúng ta và cổ nhân. Nhưng nó vẫn tuân thủ việc hòa nhập nhưng không hòa tan, vẫn bảo lưu những nét riêng biệt của nhau. Đặc biệt, đàn nhị không hề bị trộn lẫn. Chúng đủ mềm mại để dung chứa, nhưng vẫn đầy cá tính cương nghị để giữ bản sắc riêng. Trong nhu có cương, một nét tính cách rất đầy đặn của phụ nữ cổ đại: mềm mại và xinh đẹp bên ngoài nhưng mạnh mẽ và kiên cường bên trong. Vai trò của đàn nhị, chính vì vậy theo lời Shen Yun giới thiệu là đại diện cho những đức tính cao quý của nữ giới thời xưa. Chúng tôn vinh khí chất và tâm thái của nữ nhi cổ đại và tầm quan trọng không thể thiếu của họ trong xã hội.
Ở ((2:04)), tác phẩm tái khẳng định chủ đề chính: khi con người tu dưỡng bản thân để đạt được sự hòa hợp với tự nhiên thì trời đất dung hòa như sự hợp nhất của dàn nhạc. Ý tưởng này khiến tôi suy nghĩ về dụng ý khi sử dụng ba cây đàn nhị. Chúng có đại diện cho ba khía cạnh Thiên-Địa-Nhân (Tam Tài), như thể bao trùm cả thế giới hay không?
Sự tinh tế trong biến tấu
Biến tấu đóng vai trò quan trọng trong âm nhạc truyền thống Trung Quốc, cho phép sự tự nhiên và sáng tạo trong mỗi buổi biểu diễn. Cảm giác biến tấu này đặc biệt quan trọng trong các nhạc cụ truyền thống Trung Quốc ví dụ như đàn nhị hồ.
Ở ((3:01)), tốc độ của bản nhạc tăng lên, kèm theo những biến tấu của đàn nhị và dàn nhạc. Dàn dây sử dụng kỹ thuật pizzicato hỗ trợ cho giai điệu chính thêm sinh động. Chính vì vậy, ta cảm thấy như phần này đang tái hiện các sinh hoạt thường ngày của người xưa. Cảm giác như các hoạt động, bao gồm cả giải trí, đều sôi động hơn so với phần trước. Các việc cần làm của người xưa đều không tách khỏi nền tảng là tu thân. Nam nhi đại trượng phu mưu cầu đại sự ắt phải xây dựng một chí khí cao, rõ ràng, xuất phát điểm là tu dưỡng thân tâm thì mới thực hiện được những lý tưởng cao xa. Nữ nhi là điểm tựa tinh thần, là trụ cột để duy trì những giá trị gia đình và xã hội. Họ không chỉ đảm nhận vai trò trong gia đình mà còn là người giữ lửa văn hóa, truyền thụ những đức hạnh và giá trị truyền thống qua các thế hệ. Chính vì vậy, bản thân họ cũng phải luôn chú trọng đến tu dưỡng, duy trì một tinh thần thanh cao và một lối sống đạo đức. Đàn nhị hồ, với âm thanh vừa mềm mại vừa mạnh mẽ, truyền tải những phẩm chất này một cách tinh tế và sâu sắc.
Có tu dưỡng thì mới sáng chí, hiểu đạo lý để phân biệt đúng sai, tin vào nhân quả báo ứng mà hành xử, giữ vững tín tâm với các tín ngưỡng chính thống để mở rộng nhãn quan, tất cả tạo thành một thế giới mà hậu nhân ngưỡng vọng. Đó cũng là vẻ đẹp mà Shen Yun truyền tải trong giai đoạn âm nhạc này: mỹ hảo và khoáng đạt tự nhiên.
Ở ((4:25)), dàn nhạc trở lại với chủ đề chính trong sự hợp nhất. Mỗi giai điệu thăng trầm không ngừng, cuồn cuộn mênh mông như thể bao trùm cả bầu trời, núi non và đại dương rộng lớn trong tầm mắt. Nó gợi lên một thế giới rộng lớn hòa bình chỉ có thể thấy khi tâm trí được thanh tĩnh và bình yên. Hoàng đế cảm thấy khiêm nhường trước trời đất, cao nhân truy cầu chân lý và tìm cách chung hòa với Đạo Trời, kẻ sĩ minh trí lựa chọn lối sống ở đời. Những vai trò này dường như vang lên với trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, trí thức và những người thiện lương trong thời hiện đại.
Đoạn nhạc này vừa cho ta sự thư thái, khoáng đạt hiếm có, vừa khơi dậy sự chiêm nghiệm cao hơn trong cảnh giới tư tưởng. Nó giống như trở về nhà sau một ngày dài bôn ba ngang dọc ngoài xã hội, được ngồi lại trong không gian tĩnh lặng để suy ngẫm về những gì đã trải qua. “Cổ phong” giống như cô đọng lại một ngày của người xưa và kết bài như một tối trở về để chiêm nghiệm. Đó là một sự trở lại với cuộc sống và không gian riêng tư, nơi mà ta nhìn bản thân được rõ nhất và đối thoại chân thật nhất với chính mình.
Kết thúc đầy suy tư
Ở ((5:04)), tác phẩm dần dẫn chúng ta đến kết thúc với một giai điệu rất chậm, rất đặc biệt. Sự giảm tốc độ có chủ ý này giống như một thông điệp nhẹ nhàng gửi đến chúng ta, những người hiện đại, hãy sống chậm lại. Chậm lại để chúng ta nhận ra những phép màu nhỏ bé, đẹp đẽ xung quanh—những khoảnh khắc kỳ diệu mà chúng ta thường bỏ qua trong sự vội vã. Bằng cách dành thời gian, chúng ta có thể tránh mất đi bản chất tốt đẹp của mình và giữ vững định hướng của bản thân.
Lời nhắn gửi chậm lại này đặc biệt sâu sắc trong bối cảnh xã hội hiện đại, nơi sự tấn công liên tục của các cập nhật và thành tựu từ bạn bè, người nổi tiếng và thậm chí là cả người lạ sẽ khiến chúng ta cảm thấy như chưa bao giờ là đủ. Từ khi còn trẻ, chúng ta được khuyến khích xuất sắc trong học tập, có công việc uy tín, tích lũy của cải và đạt được địa vị xã hội. Mặc dù những thành tựu này có thể mang đến cảm giác phấn khích, nhưng chúng lại thường không đạt được thỏa mãn lâu dài. Bởi vì tiêu chuẩn xã hội luôn thay đổi, nhu cầu ngày một tăng, và tham vọng của con người là không có giới hạn, nên việc đo lường giá trị của mình bằng thành tựu bên ngoài sẽ chỉ là một vòng luẩn quẩn khiến con người ta kiệt quệ.
Tình huống này còn rõ ràng hơn đối với phụ nữ hiện đại, những người luôn phải đối mặt với sự tấn công liên tục của các kỳ vọng xã hội và áp lực thương mại. Chỉ cần bạn bước vào một cửa hàng, bạn sẽ ngay lập tức bị vây quanh bởi những sản phẩm hứa hẹn sẽ cải thiện một khía cạnh nào đó của bản thân. Ngành công nghiệp làm đẹp, các xu hướng thời trang và thậm chí là kỳ vọng nghề nghiệp thường gửi đi thông điệp rằng phụ nữ không đủ tốt như họ đang có và rằng luôn có điều gì đó cần phải cải thiện hoặc sửa chữa. Áp lực không ngừng này có thể khiến phụ nữ cảm thấy thiếu tự tin và không đủ, luôn cố gắng với tới một lý tưởng không thể đạt được.
Ngược lại, cây đàn nhị trong “Cổ phong” tượng trưng cho các đức hạnh cao quý của phụ nữ cổ đại và câu chuyện của họ. Câu chuyện ấy được kể xuyên suốt tác phẩm, làm nổi bật sức mạnh nội tại và sự thanh nhã của họ. Phụ nữ cổ đại tập trung vào sự phát triển nội tâm, nuôi dưỡng trí tuệ, điều này khiến họ cảm thấy đủ với chính mình. Họ hiểu rằng vẻ đẹp và giá trị thực sự đến từ bên trong và không bị ảnh hưởng bởi áp lực bên ngoài để tuân theo các tiêu chuẩn không thực tế.
Giai điệu này cũng nhắc nhở chúng ta tránh bị lạc trong cuộc đua tốc độ nguy hiểm mà cuộc sống hiện đại có thể trở thành. Thay vào đó, nó khuyến khích chúng ta trở lại con đường chân thực hơn, nơi chúng ta có thể tái kết nối với những điều thực sự quan trọng. Bằng cách chậm lại, chúng ta dành cho mình không gian để thở, suy nghĩ và cảm nhận sâu sắc. Chúng ta có thể ngủ ngon lành, với những giấc mơ đẹp, không bị gánh nặng bởi những căng thẳng và áp lực của ngày hôm nay.
Chính ý tưởng này khiến tôi không thể không tự hỏi: liệu đoạn này có phải là một giấc mơ hay không? Một ước mơ được trở lại với những ngày đẹp đẽ đó—một ước muốn được chia sẻ bởi rất nhiều người. Có một nỗi niềm chung đối với sự giản dị và tinh khiết của quá khứ, một thời kỳ khi cuộc sống ít phức tạp hơn và kết nối giữa người với người trở nên chân thực hơn.
Cho những ai yêu thích và muốn trải nghiệm thế giới âm nhạc của Shen Yun, các tác phẩm của họ, kể cả tác phẩm tuyệt vời ở trên, đều có thể thưởng thức trực tuyến tại Shen Yun Creations (Shen Yun Zuo Pin).