Hãy tưởng tượng bạn đang đứng giữa một thảo nguyên bao la, nơi mà thiên nhiên không chỉ là cảnh sắc đẹp mắt mà còn là nguồn sống, là nhịp đập của những con người gắn bó với mảnh đất này. Mông Cổ—một vùng đất mà truyền thống và thiên nhiên gắn bó mật thiết, tạo nên một sự hòa hợp độc đáo. Trên những đồng cỏ mênh mông của thảo nguyên phía Bắc, các nghệ sĩ khoomei, trong hành trình khơi gợi cảm hứng, dấn thân vào thiên nhiên nhằm tìm kiếm môi trường hoàn hảo nhất để cất lên tiếng hát cổ họng—loại âm thanh như vang vọng từ lòng đất, mang đậm hơi thở của thiên nhiên nơi đây.
Người Mông Cổ còn nổi tiếng bởi sự nhiệt tình và lòng hiếu khách như mang cả không khí gia đình đến cho từng vị khách đặt chân đến đây. Ở họ, ta như học được nhiều hơn về tinh thần lạc quan, lòng dũng cảm, sự bền bỉ bên trong vẻ ngoài dung dị, đặc biệt là một thái độ hết mình, một khí chất hào sảng đối đãi với mọi vấn đề trên hành trình của mình.
Chính những giá trị và tinh thần ấy đã truyền cảm hứng sâu sắc cho “Hào Khí Thảo Nguyên,” một sáng tác của giám đốc nghệ thuật D.F. và phối khí bởi Tịnh Huyền. Tác phẩm đã cô đọng những yếu tố kể trên và đưa chúng đến gần hơn với khán giả thế giới, vượt qua mọi ranh giới về ngôn ngữ và địa lý để truyền tải một tinh thần hùng tráng và đầy cảm hứng.
Tái hiện tinh thần Mông Cổ qua sự giao thoa hài hòa giữa bộ dây và kèn trombone
Tác phẩm khởi đầu bằng những rung động mượt mà, sâu lắng từ dây đàn, đưa ta đến miền thảo nguyên mênh mông của Mông Cổ. Những âm thanh nhẹ nhàng ấy như khắc họa khung cảnh cánh đồng cỏ xanh rì rào trong làn gió mát, dưới bầu trời rộng mở. Rồi đột nhiên, tiếng kèn trombone vang lên, sâu thẳm và đầy nội lực, như tiếng vọng từ lòng đất, khơi dậy sự sống trong không gian tĩnh lặng. Âm thanh của trombone còn vang vọng như tiếng tù và chứa đựng không chỉ linh hồn mà còn sức mạnh và lòng kiên định của người Mông Cổ.
Khi tiếng trombone lắng xuống, bộ dây lại tiếp tục cất lên, tạo nên một nền tảng vững chắc, vẽ ra bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, nơi con người không chỉ đứng quan sát mà còn trở thành một phần không thể tách rời khỏi cảnh sắc ấy. Sức mạnh âm thầm của thảo nguyên, như một ẩn dụ cho lối sống của người Mông Cổ—gắn bó sâu sắc với đất đai nhưng luôn sẵn sàng đón nhận mọi thử thách mới, giống như cách âm thanh kèn trombone đột phá sự yên bình mà bộ dây đã tạo dựng.
Sau đó, tiếng đàn nhị vang lên với giai điệu chậm rãi, nhẹ nhàng, đưa người nghe đến một tầng cảm xúc sâu hơn. Giai điệu này gợi nhớ đến trường điệu truyền thống của Mông Cổ—một phong cách âm nhạc với những câu hát dài, trữ tình và nhịp điệu chậm rãi. Những bài hát này thường kể về cuộc sống và cảnh sắc thảo nguyên, tái hiện hình ảnh cánh đồng, đàn gia súc và bầu trời rộng mở. Tiếng đàn như một lời tự sự về mối liên hệ sâu sắc của người Mông Cổ với thiên nhiên và văn hóa của họ.
Lúc này, tiếng cello xuất hiện, mô phỏng nghệ thuật hát khoomei (cổ họng) cổ truyền của người Mông Cổ. Đây là kỹ thuật thanh nhạc đặc biệt, được phát triển để mô phỏng những âm thanh phức tạp của thiên nhiên, đóng vai trò không thể thiếu trong văn hóa nghệ thuật của người dân nơi đây. Từ thế kỷ 13, khoomei đã được sử dụng để tôn vinh thiên nhiên, tổ tiên và các anh hùng, thường xuất hiện trong các nghi lễ quan trọng. Việc dàn nhạc Shen Yun sử dụng cello để tái hiện những âm thanh độc đáo này là một sáng tạo xuất sắc. Không những là tinh túy trong nghệ thuật Mông Cổ đã được phát triển qua lịch sử rất lâu dài, gắn liền với đời sống tinh thần của người dân nơi đây mà khoomei còn mang đặc trưng lời ít, giọng dài rất thích hợp để mô phỏng bằng nhạc cụ, và ở đây là cello. Nó ngân lên chất giọng rền vang như lời tự sự chân tình của một người dân bản địa, cố gắng truyền tải vẻ đẹp và tinh thần của thảo nguyên mênh mông đến khán giả toàn cầu. Chính sự kết hợp này đã vượt qua mọi ranh giới văn hóa và ngôn ngữ, giúp người nghe cảm nhận được tinh hoa cuộc sống Mông Cổ qua từng nốt nhạc.
Ngoài ra, một đặc điểm nổi bật khác của tác phẩm mà bạn sẽ cảm nhận rõ nét chính là sự giản dị và chân thành. Cấu trúc tuy đơn giản nhưng lại chứa đựng cảm xúc mãnh liệt, phản ánh rõ nét những phẩm chất truyền thống của người Mông Cổ: sự mộc mạc trong tính cách, lối sống và lòng nhiệt thành trong việc đón tiếp khách. Những phẩm chất này không phải là những khái niệm trừu tượng, mà là những trải nghiệm thực tế, được cảm nhận rõ ràng khi đặt chân đến Mông Cổ, nơi mà sự ấm áp và lòng hào phóng của người dân có thể thấy trong từng khoảnh khắc.
Tinh thần hiếu khách qua vũ điệu với đũa
Khi tác phẩm dần tiến triển, tinh thần hiếu khách và sự nồng nhiệt của người Mông Cổ hiện lên một cách rõ ràng qua sự xuất hiện của chủ đề chính tại ((0:47)). Tiếng vĩ cầm vui tươi, với nhịp điệu nhanh nhẹn và đầy sức sống vang lên, ngay lập tức gợi lên hình ảnh những con người Mông Cổ đầy đam mê, hòa mình trong niềm vui và sự phấn khích của những điệu múa truyền thống.
Năng lượng ấy còn được tôn thêm bởi những âm sắc tươi sáng, mới mẻ từ chũm chọe, kèn trumpet, kèn Pháp, sáo và oboe. Mỗi nhạc cụ, với những nét riêng biệt, đã góp phần tạo nên một bức tranh âm nhạc không chỉ nhiều màu sắc mà còn linh hoạt như trong chính từng động tác của người bản địa. Những giai điệu mạnh mẽ phản ánh lòng nhiệt thành và sự chân tình của người Mông Cổ khi họ thực hiện những điệu nhảy chào đón, đong đầy lòng hiếu khách. Hãy hình dung họ, với những bó đũa trên tay, gõ nhịp nhàng lên cơ thể, tạo nên những âm thanh réo rắt, mang lại một bầu không khí sinh động và thú vị.
Rồi trong một khoảnh khắc sau đó, nhịp điệu chậm lại, không phải để dừng mà để tích tụ thêm năng lượng, chuẩn bị cho một đợt bùng nổ mới. Âm nhạc vẫn giữ được sự nhanh nhẹn và phấn khởi, nhưng bắt đầu mở ra một cảm giác phóng khoáng hơn—một sự phóng khoáng gợi nhớ đến những anh hùng phi ngựa băng qua thảo nguyên, tự do tung hoành giữa đất trời rộng lớn. Giai điệu như mở rộng, bao trọn lấy thiên nhiên bao la, mời gọi người nghe mở lòng, đón nhận những cơ hội và trải nghiệm mà cuộc sống mang lại.
Khúc nhạc này chính là một khúc ca tự do—một tự do rộng lớn, đẹp đẽ như chính cuộc sống, nơi không có ranh giới hay ràng buộc, nơi mà sự bao la của thảo nguyên luôn mở ra những chân trời mới. Và người Mông Cổ, cùng tinh thần lạc quan của họ, luôn nhìn thấy khắp nơi là những cánh cửa rộng mở, là cơ hội để họ luôn phi thẳng về phía trước. Khi giai điệu vút cao, nó mang theo tinh thần phóng khoáng và sự hào sảng của người Mông Cổ, khuyến khích chúng ta sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, với tất cả niềm đam mê và trái tim rộng mở. Chính nhờ việc duy trì lối sống tích cực đó đã hình thành một khí chất sảng khoái, tự do đặc biệt ở những con người này, những con người nhiệt tình sống, nhiệt tình khám phá và ở đâu hay làm gì cũng dùng một thái độ hết mình để đối đãi.
Khoảnh khắc lắng đọng cùng trường điệu truyền thống
((1:56)) Sau khi giai điệu đạt đến cao trào, tác phẩm bất ngờ chuyển sang một khoảng lặng ngắn—một khoảnh khắc yên bình cho phép người nghe lắng đọng và cảm nhận sâu sắc những cảm xúc mà âm nhạc đã khơi dậy. Sự im lặng này ngay sau đó được lấp đầy bởi những âm thanh trầm lắng và vang vọng quen thuộc. Lúc này, tiếng kèn Pháp xuất hiện, thay thế vai trò của đàn nhị trong đoạn mở đầu, tái hiện lại tinh thần của trường điệu dân tộc Mông Cổ.
Bộ dây hòa quyện cùng nhạc cụ gõ tiếp tục dẫn dắt nhịp điệu và khắc họa hình ảnh các vũ công đang thực hiện điệu nhảy chào đón truyền thống. Tuy nhiên, nhịp điệu giờ đây đã chậm lại và những động tác trở nên chậm rãi, thư thái hơn. Những âm thanh gõ đũa trên cơ thể từng dứt khoát, giờ đã trở nên mềm mại hơn, tạo nên một không gian ấm cúng và gần gũi. Sự phấn khích ban đầu dần lắng xuống, thay vào đó là một cuộc trò chuyện chân thành giữa chủ nhà và khách quý.
((2:35)) Giai điệu tiếp tục với sự xuất hiện của đàn nhị, tì bà và vĩ cầm, vẽ nên bức tranh về những khoảnh khắc vui vẻ mà các vị khách phương xa chia sẻ cùng người dân địa phương. Những nốt nhạc vang lên đầy chân thành và giản dị, nhưng chứa đựng một tình cảm đặc biệt. Dù không hoành tráng hay phức tạp, giai điệu này mang đến sự ấm áp, gần gũi, khiến người nghe cảm nhận như đang trở về nhà, dù khoảng cách địa lý có xa xôi đến đâu.
Sự chân thành của người Mông Cổ tỏa sáng qua từng giai điệu, khiến bạn cảm thấy như mình đang hiện diện trong không gian ấy, cùng chia sẻ niềm vui và sự cởi mở với họ. Thật dễ dàng để tưởng tượng rằng nếu gặp những con người với sự ấm áp và tử tế chân thành như vậy trong đời thực, bạn sẽ ngay lập tức bị họ cuốn hút, giống như cách tác phẩm này lôi cuốn bạn. Có một cảm giác bình yên và an lành khi được ở bên cạnh những con người như vậy—những cảm xúc quý giá và đang rất cần trong một thế giới hiện đại vội vã và đôi khi lạnh lùng.
Người Mông Cổ không chỉ may mắn sở hữu thảo nguyên bao la mà còn sở hữu những tâm hồn hào sảng. Ở đoạn này của tác phẩm, giai điệu tiếp tục xây dựng đến một cao trào mới, vẫn giữ được sự giản dị nhưng lại ẩn chứa một sức mạnh bền bỉ. Cấu trúc của nó không cần quá phô trương hay phức tạp để truyền tải thông điệp; thay vào đó, chính sự trong sáng và chân thành đã đủ để tác phẩm kết nối sâu sắc với khán giả.
Lời chào tạm biệt và những khởi đầu mới
Khi đến ((3:25)), âm nhạc dần lắng xuống, chậm rãi hơn với những giai điệu đầy cảm xúc từ tiếng đàn nhị. Sự thay đổi về nhịp điệu và âm sắc này mang đến cảm giác chia ly, như thể đã đến lúc nói lời chào từ biệt để tiễn những vị khách lên đường trở về nhà. Trong những nốt nhạc man mác của đàn nhị, ta có thể cảm nhận được một nỗi buồn thoảng qua, một nỗi niềm bịn rịn như không nỡ chia tay. Người Mông Cổ, với lòng hiếu khách nồng hậu và sự chân thành ấm áp, luôn đặt cả tâm huyết vào việc chào đón và tiếp đãi khách quý. Vì thế, khi phải nói lời chia xa, họ không khỏi cảm thấy bùi ngùi, khó khăn, điều này phản ánh sâu sắc cách họ trân trọng những mối liên kết được tạo dựng—một cảm giác đan xen giữa lòng biết ơn vì những khoảnh khắc đã chia sẻ cùng nhau và nỗi buồn vì chúng đã kết thúc.
Nhưng cũng như bao sự việc trên đời, lời chào tạm biệt không hẳn là kết thúc mà là báo hiệu cho những khởi đầu mới mẻ đang sắp diễn ra. Cuộc sống trên thảo nguyên, cũng như dòng chảy của âm nhạc, vẫn phải tiếp tục, không ngừng tiến về phía trước. Ở ((3:36)), nhịp điệu thay đổi mạnh mẽ với những cú nảy vĩ dứt khoát của bộ dây mang đến hình ảnh những con ngựa đang phi nước đại trên cánh đồng cỏ mênh mông. Nhịp điệu nhanh chóng này thể hiện một thái độ quyết đoán trên hành trình cuộc sống. Người Mông Cổ, với bản tính phóng khoáng và tinh thần tự do, không để mình đắm chìm quá lâu trong nỗi buồn chia ly. Thay vào đó, họ trở về với lối sống du mục, nơi cuộc sống luôn trôi chảy theo lẽ tự nhiên, và họ cần bắt kịp chân trời vô tận phía trước. Dàn nhạc tiếp tục dâng trào, mang chủ đề chính trở lại với một sức sống tươi mới, và tác phẩm cuối cùng kết thúc bằng một giai điệu sôi động và hào sảng.
Khi chiêm nghiệm từ điều này, tôi nhận ra rằng những mối quan hệ mà chúng ta xây dựng trong cuộc sống, dù thoáng qua, cũng không phải là ngẫu nhiên. Chúng cần được trân trọng như những cơ hội đáng quý —giống như cách người Mông Cổ luôn nâng niu mọi cuộc gặp gỡ trên hành trình của họ. Họ đón nhận những cơ hội này bằng tất cả sự nhiệt tình, đối đãi với mỗi vị khách bằng tình cảm chân thành nhất. Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng đến và đi là lẽ thường tình của cuộc sống, nên họ cũng đón nhận điều đó một cách thanh thản, nhanh chóng phục hồi và tiếp tục bước tới, mang theo tinh thần dũng cảm và tự do đã làm nên bản sắc của họ.
Thái độ này cũng là một bài học quý giá cho chúng ta, nhắc nhở chúng ta hãy để tâm hồn mình hòa cùng nhịp điệu của tự nhiên, mở lòng đón nhận và chân thành, nhiệt huyết trong mọi việc chúng ta làm. Chúng ta nên trân quý mọi cơ hội đến với mình, đối xử với người khác bằng sự chân thành, và đón nhận những cuộc gặp gỡ hay chia ly trong cuộc sống với một tâm thế nhẹ nhàng. Khi làm được điều đó, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh để tiếp tục hành trình của mình, tự do và không bị ràng buộc, như hào khí của những người Mông Cổ đang rong ruổi trên khắp thảo nguyên bao la.
Cho những ai yêu thích và muốn trải nghiệm thế giới âm nhạc của Shen Yun, các tác phẩm của họ, kể cả tác phẩm tuyệt vời ở trên, đều có thể thưởng thức trực tuyến tại Shen Yun Creations (Shen Yun Zuo Pin).