Nằm ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, núi Võ Đang không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là cái nôi của lịch sử tâm linh và võ học lâu đời, có nguồn gốc sâu xa từ nền văn hóa Đạo giáo. Tại đây, nơi mà không gian và thời gian như ngừng lại trong bầu không khí linh thiêng, lắng đọng, đã chứng kiến sự ra đời của Thái Cực Quyền – bộ môn võ thuật cổ xưa của người Trung Hoa, một minh chứng cho triết lý hài hòa, cân bằng của Đạo giáo với những động tác duyên dáng, mềm mại như những nhịp điệu êm đềm của cuộc sống.
Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun, thông qua tác phẩm “Tráng sĩ Võ Đang”, do giám đốc nghệ thuật D.F. sáng tác, phối khí bởi Tịnh Huyền và chỉ huy dàn nhạc bởi nhạc trưởng Milen Nachev, đã cho chúng ta cơ hội đến gần hơn với di sản văn hóa tinh thần này. Âm nhạc của họ, một lần nữa vượt qua giai điệu đơn thuần để truyền tải hình ảnh của các tu viện Đạo giáo ẩn mình giữa núi rừng Võ Đang, tinh thần võ thuật và các triết lý sâu sắc của Thái Cực Quyền.
Để hiểu hơn về tác phẩm này, chúng ta sẽ đi sâu vào khám phá cách thức mà Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun đã lồng ghép giai điệu cùng các giá trị tinh thần, võ thuật, cũng như cách mà các nguyên tắc Thái Cực Quyền chảy trôi theo dòng nhạc, tạo nên một bản giao hưởng không những hấp dẫn mà còn đầy tri thức. Nhưng trước khi chúng ta bắt đầu phân tích bản nhạc, hãy cùng nắm bắt những thông tin nền tảng để hiểu hơn về chủ đề này nhé!
Núi Võ Đang – Thánh địa Đạo gia và nơi ra đời của Thái Cực Quyền
Uy nghiêm và huyền bí, núi Võ Đang ẩn lấp sau màn sương mờ ảo, từ lâu đã là điểm tụ hội linh khí của Đạo giáo. Đây là nơi có nhiều đền chùa, tu viện và là thiên đường nơi các tu sĩ Đạo giáo thực hành thiền định, võ thuật và các môn học khác nhằm thúc đẩy quá trình tu dưỡng và giác ngộ bản thân.

Với tầm vóc văn hóa và lịch sử của mình, núi Võ Đang còn tự hào khi chứng kiến sự hình thành của một trong những bộ môn lớn trong nền võ thuật thế giới: Thái Cực Quyền. Hơn cả một loại hình rèn luyện sức khỏe, đây là con đường tu luyện theo triết lý âm dương của Đạo giáo, mang ý nghĩa cân bằng và hài hòa của các yếu tố đối lập cùng đồng thời tồn tại. Thường được mô tả là môn võ lấy tĩnh chế động, Thái Cực Quyền nổi bật với những đặc tính khác biệt như chuyển động chậm rãi, có chủ ý, trôi chảy và liền mạch, tạo nên một vũ điệu uyển chuyển cân bằng giữa sức mạnh và sự bình yên nội tâm.

Một nhân vật quan trọng trong lịch sử phát triển võ thuật của núi Võ Đang nói chung và Thái Cực Quyền nói riêng là huyền thoại Trương Tam Phong. Ông được tôn kính như một hiền giả Đạo giáo, ngoài ra ông còn nổi tiếng bởi sự uyên bác và kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực và nhiều môn võ thuật khác nhau. Sinh ra vào thế kỷ thứ 12 dưới thời Nam Tống, Trương Tam Phong được cho là đã sống hơn 130 tuổi. Về thời điểm chính xác khi ông rời khỏi thế giới phàm trần này vẫn còn là một bí ẩn, tương truyền rằng ông đã đạt được sự bất tử trên con đường tu Đạo của mình. Được tôn vinh như người sáng lập và là tâm điểm phát triển của Thái Cực Quyền, sức ảnh hưởng của ông ăn sâu vào cả thực hành lẫn triết lý của môn võ này.

Những lời dạy của ông nhấn mạnh đến việc lấy nhu khắc cương, khơi dậy sức mạnh nội tại áp đảo thế lực bên ngoài, và tầm quan trọng của một tâm trí thanh thản và khí hài hòa (năng lượng sống). Các chuyển động được thiết kế nhằm thúc đẩy sự lưu thông khí huyết trong cơ thể, tăng cường sức khỏe và sinh lực. Việc luyện tập Thái Cực Quyền, nhất là trong không gian yên bình của Núi Võ Đang, mở ra cánh cửa kết nối sâu sắc với thiên nhiên và Đạo, nuôi dưỡng một cảm giác bình yên và phát triển tâm hồn.
Khi bàn sâu về tác phẩm “Tráng sĩ Võ Đang”, chúng ta sẽ được đắm mình trong màn thể hiện xuất sắc của âm nhạc dựa trên những giá trị từ di sản lâu đời này, đồng thời được truyền cảm hứng mạnh mẽ trước tinh thần hiệp nghĩa hiện hữu xuyên suốt bản nhạc.
Khúc dạo đầu: Lối vào thế giới Võ Đang huyền bí
Bản giao hưởng bắt đầu bằng tiếng chiêng trang trọng như lời triệu hồi các linh hồn cổ xưa đang gác giữ cho ngôi đền Đạo giáo linh thiêng tọa lạc trên dãy núi này. Những âm bội của nó vang vọng khắp dàn nhạc, từng bộ phận dần thức tỉnh, tạo nên một dòng chảy năng lượng trải rộng từ trái sang phải sân khấu.
Tiếng kèn Pháp vang lên đáp lại tiếng gọi ấy như những tia sáng ban mai, xuyên qua màn sương sớm mờ ảo của núi Võ Đang. Sau đó, sáo và pha-gốt đan xen, mô phỏng tiếng chim hót líu lo trong buổi bình minh tinh khôi. Sự hòa quyện của những âm sắc này mở ra cánh cổng bước vào thế giới biệt lập, nơi ẩn chứa những câu chuyện huyền thoại về các tráng sĩ võ lâm.
Triết lý của phái Võ Đang trong hình thức âm nhạc
Trong lúc này, một âm thanh tinh tế nhưng đậm đà từ mộc bản, mô phỏng tiếng mõ ở đền thờ như một lời nhắc nhở về khía cạnh thiền định không thể tách khỏi bộ môn võ thuật này. Sự xuất hiện của mộc bản không chỉ là một nét chấm phá trong bức tranh âm nhạc mà còn là sự thừa nhận rằng hành trình trở thành chiến binh Võ Đang không chỉ đòi hỏi sức mạnh thể chất mà còn cần sự tu dưỡng tâm linh sâu sắc.
Trong võ thuật Võ Đang, mỗi động tác uyển chuyển và mềm mại bên ngoài lại chứa đựng một nguồn lực mạnh mẽ bên trong. Sự giao thoa giữa nhu và cương, tĩnh lặng và chuyển động, tính linh hoạt bên ngoài và sự vững chắc bên trong chính là biểu hiện cụ thể của những nguyên tắc Đạo giáo, tạo nên nền tảng cho triết lý của Võ Đang. Đây không phải là đối đầu giữa các lực lượng mà là tính hòa hợp, bổ sung và tăng cường lẫn nhau.
Do đó, âm thanh của bộ gõ được dùng như một phép ẩn dụ cho kỷ luật luyện tập nhịp nhàng và tập trung thiền định là điều cần thiết để thành thạo môn nghệ thuật này.
Âm dương xoay chuyển theo nhịp điệu Staccato và Legato
((0:45)) Nhịp điệu bắt đầu nhanh hơn, đánh dấu sự chuyển tiếp sang một giai đoạn mới nhanh nhẹn và năng động hơn. Tại đây, dây đàn phô diễn giai điệu staccato mạnh mẽ, gợi lên hình ảnh của những bước chân và những cú đánh linh hoạt của các võ sĩ.
Ngay sau đó, tiếng kèn đồng và nhạc cụ hơi bộ gỗ đan xen nhau tạo thành âm nền legato làm đối âm tương phản nhưng cũng rất bổ trợ cho bộ dây.
Trong tác phẩm này, sự xuất hiện của đàn nhị và đàn tỳ bà mang đến một chiều sâu lịch sử và văn hóa, hòa âm cùng với legato và len lỏi qua giai điệu staccato. Những nhạc cụ này, với âm sắc độc đáo, gợi lên cảm giác bí ẩn cổ xưa bao trùm lịch sử của Võ Đang sơn thấm đẫm trí tuệ Đạo giáo và còn vang vọng những câu chuyện về các hiền giả và nhân vật huyền thoại từng đi qua ngọn núi này.
Tại ((0:57)), vai trò của bộ dây và bộ hơi/kèn đồng đã thay đổi. Bộ dây bây giờ đảm nhận vai trò của giai điệu legato trong khi nhạc cụ hơi bộ gỗ và kèn đồng tạo điểm nhấn với nền nhịp staccato. Sự chuyển đổi này tạo ra hiệu ứng âm nhạc hai chiều giống như biểu tượng âm dương xoay tròn trong Đạo giáo, biểu thị sự cân bằng và tính hai mặt trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Giai điệu legato với sự phát triển mềm mại, liền mạch, thể hiện mặt âm – yếu tố tinh tế, mềm mại và nội tâm. Ngược lại, staccato nhanh và quyết đoán lại đại diện cho mặt dương – sự năng động, mạnh mẽ và năng lượng hướng ngoại.
Một điểm nữa ta có thể thấy là ở những hợp âm kết đều có xu hướng được vuốt lên trên, bay lên như đôi cánh mang theo những âm thanh trong trẻo và đầy cảm hứng. Chuyển động hướng lên này có thể được ví như hành trình tâm linh của các tráng sĩ Võ Đang khi họ phấn đấu đạt đến mức độ tinh thông võ thuật và tu dưỡng nội tâm. Ngoài ra, nó cũng là một cách diễn đạt cho thể chất linh hoạt của các tráng sĩ trong quá trình huấn luyện, khi họ thực hiện các động tác như bay trong không trung.
Các đối âm hài hòa và phong cách đầy nhiệt huyết của đàn cello
Khi bản giao hưởng tiến đến ((1:24)), đàn cello nổi bật với giai điệu legato, minh họa tính chất liền mạch, trôi chảy của những chuyển động. Phong cách trình diễn của các nhạc công cello ở phân đoạn này đầy đam mê và nhiệt huyết nhằm truyền đạt một quá trình liên tục mài giũa và luyện tập theo kỷ luật nghiêm ngặt của các tráng sĩ. Phía sau dòng chảy êm đềm ấy là sức mạnh và sự linh hoạt, giống như nền nhạc staccato ám chỉ một lực lượng mạnh mẽ.
Âm sắc giàu cảm xúc và ấm áp của cello tạo nên dòng chảy legato đồng hành song song với nền nhạc staccato – một phép ẩn dụ cho sự cân bằng giữa sức mạnh thể chất bên ngoài và sự trau dồi năng lượng bên trong.
Tiến tới ((1:49)), bố cục tiếp tục làm nổi bật sự tương tác liền mạch giữa trombone và bộ dây. Trombone mang đến một giai điệu đối lập nhưng mượt mà và hài hòa, nhẹ nhàng xuyên qua những giai điệu của dây đàn. Và sau đó, một cách tự nhiên và tinh tế, hai giai điệu hòa làm một, dẫn dắt người nghe tiến gần hơn đến khoảnh khắc nổi bật nhất của tác phẩm, tạo tiền đề cho loạt cao trào nối tiếp.
Điểm nhấn của bản giao hưởng: Tiếng nói đầy tự hào và mạnh mẽ của các tráng sĩ Võ Đang
Tại thời khắc quan trọng ((2:13)), tác phẩm đạt đến đỉnh cao cảm xúc khi sức mạnh và niềm tự hào của chiến binh Võ Đang được bộc lộ một cách hoành tráng và đầy cảm hứng. Phân đoạn này nổi bật ở cách nó gói gọn tinh thần anh hùng đặc sắc trong truyền thống võ thuật Võ Đang.
Đây cũng là phần tôi đặc biệt yêu thích vì không thể ngừng tua lại khoảnh khắc này để đắm chìm trong những viễn cảnh được khơi dậy về một câu chuyện võ thuật hoành tráng, nơi nhân vật chính – một đệ tử cao quý của phái Võ Đang – tỏa sáng rực rỡ, khiến người xem không khỏi kinh ngạc và ngưỡng mộ. Giống như những nhạc công điêu luyện trên sân khấu khiến chúng ta mong muốn trở thành một trong số họ, họ làm sống động câu chuyện này với sự điêu luyện đến mức người ta không khỏi bị cuốn vào ảo mộng, khao khát được thể hiện sức mạnh và tinh thần như những võ sĩ.
Để trải nghiệm trọn vẹn khoảnh khắc ngoạn mục này hãy đến với màn trình diễn mang tên “Tai Chi Flow” để được chiêm ngưỡng tận mắt tinh thần võ thuật được tái hiện ngay trên sân khấu của Shen Yun. Các vũ công thể hiện những chuyển động uyển chuyển nhưng đầy sức lực để phản ánh sự linh hoạt bên ngoài và sức mạnh bên trong của môn võ thuật này. Mỗi cú bật cao và nhào lộn trên không trung tưởng như có thể bay của các nghệ sĩ được thực hiện dồn dập và liên tiếp, trải đều trên sân khấu khiến khán giả không khỏi thán phục và choáng ngợp.
Tôi cảm nhận rằng, âm nhạc ở đoạn này như tiếng vọng đầy tự hào của các tráng sĩ Võ Đang khi họ kể về môn phái và hành trình dài gian khổ để tu dưỡng và rèn luyện của mình. Đây không chỉ là một quá trình nhằm nâng cao kỹ năng võ thuật thông thường mà là một con đường xây dựng và tinh lọc tâm hồn để rồi dẫn đến sự giác ngộ cao siêu hơn. Và khi những điều tinh túy này được truyền tải qua giai điệu và tiết tấu đã khiến bản nhạc trở thành một tác phẩm thấm đẫm niềm tự hào, nhiệt huyết và gói gọn tinh thần của một chiến binh.
Ở đoạn này, giai điệu staccato của dây đàn mang một sức sống mới, trở nên nhanh, dứt khoát hơn và biểu cảm mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, nó vẫn giữ được sự cân bằng hài hòa với nền nhạc legato chân thành của nhạc cụ hơi bộ gỗ và kèn đồng.
Và tại ((2:35)), vai trò giữa các nhạc cụ lại tiếp tục thay đổi. Đến ((2:40)), giai điệu staccato quay trở lại với bộ dây, dẫn dắt tác phẩm tiến về phía trước, âm lượng giảm xuống, tích tụ động lực cho một cao trào mới.
Sự thăng hoa của hai mặt Thái Cực
Khi tiến đến ((2:53)), tác phẩm đạt đến sự thăng hoa trong hòa âm của staccato và legato, tạo nên một dòng nhạc mượt mà, như dòng suối chảy qua những vách đá của núi Võ Đang huyền bí.
Cách triển khai của giai điệu trong thời điểm này như sự giải phóng của một lò xo bị nén chặt, tương đồng với cảm giác đối với bộ dây sau khi trải qua quá trình gom tụ năng lượng, kéo đến giới hạn, sau đó phá vỡ lồng ghép tạo thành dòng chảy mới, tự do và thỏa mãn. Điều này mở ra một không gian cho những cảm xúc của người nghe được vươn xa và tìm thấy sự giải tỏa.
Giai điệu legato, giàu cảm xúc và nổi bật, được bổ trợ liên tục bởi nền staccato sắc nét và gãy gọn, tương tác hài hòa với nhau, vừa tràn đầy sức sống vừa mang lại cảm giác thanh bình. Xuyên suốt tác phẩm, mối quan hệ này được củng cố nhất quán: nếu bộ dây chơi với tiết tấu nhanh, mạnh mẽ thì sẽ được bổ trợ vững chắc bởi nhạc cụ hơi bộ gỗ, kèn đồng, và ngược lại. Vai trò của chúng xoay vần liên tục tượng trưng cho vòng tròn Thái Cực, biểu tượng cốt lõi của Đạo gia, với hai mặt âm dương đối lập nhưng bổ trợ cho nhau. Một lần nữa, tính chất mãnh liệt và sôi nổi của staccato đại diện cho mặt dương, còn giai điệu legato mềm mại và kiên định tượng trưng cho mặt âm.
Đến đây, chúng ta có thể dồn sự chú ý vào những khoảnh khắc đặc biệt sau để thấy một loạt các đối âm hài hòa được thể hiện rõ ràng trong ((1:02)), ((1:43)), và ((2:07)). Ở những đoạn này, bạn có thể quan sát phong cách chơi của các nhạc công ở cả hai phía của nhạc trưởng. Mặc dù nhìn có vẻ mâu thuẫn nhưng rõ ràng âm nhạc của họ lại hòa quyện với nhau một cách tuyệt vời. Và đây là cách mà dàn nhạc vận hành trong suốt quá trình biểu diễn của họ tạo nên một phong cách độc đáo và riêng biệt của tác phẩm này. Từ đây cho ta cái nhìn chung về kỹ năng truyền đạt khéo léo và chuyên nghiệp của các nhạc công dưới sự dẫn dắt tài tình của nhạc trưởng, cùng năng lực sáng tạo tuyệt vời của các nhà soạn nhạc Shen Yun, đồng thời tán thưởng khả năng tư duy và đào sâu vào ý tưởng để tạo nên những sản phẩm không chỉ toàn diện về mặt nghe và nhìn, mà còn đem đến những giá trị quan sâu sắc cho khán giả của họ. Và chúng ta, thông qua việc chiêm nghiệm và lắng nghe nhiều lần, sẽ phát hiện ra rất nhiều chi tiết thú vị được lồng ghép tinh tế trong các tác phẩm.
Kết thúc hoành tráng
Khi tiến đến ((3:11)), tác phẩm trở về âm chủ, nơi mọi cảm xúc và giai điệu trở về mạch nguồn chính. Phần kết này được đánh dấu bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ về âm lượng, một crescendo kết hợp lực đẩy của tất cả các nhạc cụ.
Kỹ thuật nổi bật được sử dụng trong phần kết này là tremolo trên dây đàn. Bằng cách lặp lại nhanh chóng một nốt nhạc, hiệu ứng cộng hưởng được kéo dài và lan tỏa, giúp duy trì sự phấn khích và cường độ cho đến điểm cuối cùng. Âm vang của tremolo không chỉ là sự rung cảm trong âm nhạc mà còn là tiếng vọng của trí tuệ cổ xưa Võ Đang, kéo dài từ quá khứ đến hiện tại.
Cho những ai yêu thích và muốn trải nghiệm thế giới âm nhạc của Shen Yun, các tác phẩm của họ, kể cả tác phẩm tuyệt vời ở trên, đều có thể thưởng thức trực tuyến tại Shen Yun Creations (Shen Yun Zuo Pin).