“Vì Thần hoan vũ”, là một sáng tác âm nhạc đầy sức hút của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, được sáng tác bởi Tịnh Huyền và chỉ huy dàn nhạc bởi nhạc trưởng Milen Nachev. Bằng sự tôn trọng sâu sắc đối với văn hóa tín ngưỡng và bản sắc phong phú trong cộng đồng người Tây Tạng mà sáng tác này sẽ đi vào khai thác những chủ đề xoay quanh cuộc sống nơi đây. Qua màn trình diễn sôi động này, dàn nhạc truyền tải nguồn năng lượng mạnh mẽ và tích cực đến người nghe, đảm bảo bạn sẽ được tiếp thêm sức sống và nhiệt huyết trong công việc thường ngày.
Khi tiếng gọi thiêng liêng vang lên và lời hồi đáp trong nghi lễ
Ngay từ những phút đầu tiên, âm vang trầm hùng của tuba và trombone tái hiện sự trang nghiêm của lời triệu hồi, mô phỏng hình ảnh của những chiếc tù và vang vọng khắp dãy Himalaya hùng vĩ, vươn đến tận trời xanh.
Lời kêu gọi này được đáp lại bởi trumpet và nhạc cụ hơi bộ gỗ, phản ánh cấu trúc thứ bậc và sự tôn trọng sâu sắc vốn có trong truyền thống tu viện. Đồng thời, những âm sắc này cũng tượng trưng cho sự tôn kính và trang nghiêm của cả cộng đồng trong nghi lễ thiêng liêng.
Dưới cuộc đối thoại âm thanh hùng tráng này, tiếng trống trầm rền tăng thêm một tầng thức mạnh mẽ hơn nữa, tạo nên một nền tảng ổn định, vững chắc để tiếng kèn lướt trên đó một cách nhẹ nhàng. Sự hiện diện của nó không những làm phong phú thêm kết cấu âm thanh mà còn tô điểm cho khoảnh khắc oai nghi này thêm phần tráng lệ.
Tại ((0:25)), dàn violin tiếp nối, thực hiện một lần chạy nốt linh hoạt trên dãy thang âm giống như bắc một bậc thang, nhấc giai điệu thăng lên và chuyển tiếp cho sự trở lại vang vọng và khí thế hơn của trumpet, khuếch đại sức ảnh hưởng của buổi lễ ra xa hơn. Kèn trombone cũng không kém phần trang trọng, đồng thanh nêu rõ sứ mệnh và mục đích cao cả. Tại đây, ta có thể thấy, ngoài việc thể hiện khả năng của âm nhạc trong việc tái tạo lại không gian hùng vĩ cùng nghi lễ tôn nghiêm và trang trọng, phân đoạn này còn nêu bật sức mạnh của âm nhạc trong việc tạo ra sự gắn kết và đồng lòng trong tập thể, đặc biệt là trong bối cảnh nghi lễ như thế này.
Sắc màu văn hóa Tây Tạng trong những giai điệu đầy sức sống
Khi màn trình diễn tiến tới ((0:34)), một lần chạy nốt khác của violin trỗi dậy, tiếp tục với nhịp đôi cho đến hợp âm kết và chuyển sang khung cảnh âm nhạc mới bằng nhịp đầu tại ((0:40)). Ở đây, dàn nhạc đã tái hiện tinh thần của những giai điệu truyền thống Tây Tạng, nơi mỗi nốt nhạc đều tràn đầy sức sống, bùng nổ với nhịp độ nhanh và tiết tấu vững vàng. Điều này khiến khán giả không khỏi ngẫm nghĩ về bản lĩnh và phong cách sống kiên cường của người Tây Tạng.
Bất chấp điều kiện sống khó khăn và đầy thử thách trên dãy Himalaya, giai điệu này như tiếng vọng của sự lạc quan bất diệt, nảy mầm từ niềm tin sâu sắc vào sự che chở của các vị thần. Đó là nguồn gốc nuôi dưỡng một cộng đồng mạnh mẽ, dẻo dai và tràn đầy niềm vui sống. Họ không chỉ lao động siêng năng mà còn hòa mình vào các hoạt động tinh thần trọn vẹn đức tin, hát múa tri ân các vị thần, dâng lên những tấm khăn Khata – biểu tượng quan trọng trong văn hóa Tây Tạng.
Khata, một biểu tượng thiêng liêng của sự kính trọng, lòng biết ơn và phước lành, thường được tặng cho các tu sĩ và các bậc bề trên. Trong đó, chiếc khăn trắng là cao quý nhất, thể hiện sự tôn kính và trang nghiêm. Và trong chính tác phẩm này, “Vì Thần hoan vũ”, điệu múa dâng khăn Khata trắng là một khoảnh khắc quan trọng, được khắc họa bằng nhịp điệu nhanh và rực rỡ, làm nổi bật những bước nhảy linh hoạt, đầy sức sống. Âm nhạc tái hiện hình thức và năng lượng của điệu nhảy, thể hiện niềm vui và sự tôn kính của nghi lễ dâng khăn.
Và từ xa, bạn còn có thể nghe thấy những âm thanh sắc nét hòa quyện với nhạc cụ hơi bộ gỗ, gợi lên tiếng hí phóng khoáng, tự do của những chú ngựa trên cao nguyên – một hình ảnh quen thuộc gắn liền với cuộc sống Tây Tạng và biểu tượng cho tinh thần kiên cường và mãnh liệt của vùng đất này.
Thêm vào đó, âm thanh của tambourine mô phỏng tiếng kêu leng keng của trang sức bằng kim loại và đá quý, chẳng hạn như bông tai, dây chuyền, thắt lưng và vòng tay – những phụ kiện đặc trưng trong trang phục của người dân, đặc biệt là trong các nghi lễ quan trọng. Âm thanh va chạm ấy, đồng bộ với những chuyển động nhịp nhàng của vũ công, tái hiện một không gian lễ hội đầy màu sắc và sinh động.
Kỹ thuật biểu diễn sắc nét xuyên suốt màn trình diễn
Và tại ((1:03)), bạn sẽ nghe rõ hơn tiếng vó ngựa xa xa được mô phỏng bằng mộc bản. Bạn sẽ thấy, trong tác phẩm này, dàn nhạc sử dụng rất nhiều kỹ thuật tremolo trên dây, đặc biệt là violin, tạo nên những điểm nhấn độc đáo trong màn trình diễn. Thông qua những dao động liên hồi của nó, kỹ thuật này không chỉ tái hiện khung cảnh hùng vĩ, nhấp nhô của dãy Himalaya mà còn thể hiện nguồn năng lượng không ngừng nghỉ của người dân nơi đây.
Không chỉ có violin, mà các nhạc cụ khác như clarinet và nhạc cụ hơi bộ gỗ ở ((1:15)) và bộ đồng ở ((1:33)), cùng thể hiện sự nhanh nhẹn và chính xác như nhau. Những chuyển động nhanh và mạch lạc trên các nốt nhạc đã vẽ nên một bức tranh âm thanh phong phú, đắm chìm trong tinh thần tự do, ngẫu hứng và vui tươi của người Tây Tạng. Phần này của bản giao hưởng là sự tôn vinh chính cuộc sống, một lễ hội tràn đầy đam mê, năng lượng và sức sống dồi dào.
Đến ((1:50)), tác phẩm quay trở lại với âm giai chính, tái khẳng định chủ đề cốt lõi một cách mạnh mẽ. Như chúng ta có thể thấy, toàn bộ cấu trúc âm nhạc được đặc trưng bởi nhịp độ nhanh, vững chắc và không có nhiều chỗ để nghỉ ngơi hoặc thư giãn. Đặc biệt khi nó trực tiếp quay trở lại chủ đề chính mà không hề có dấu hiệu chuẩn bị hay chậm lại để lấy đà, là một quyết định có chủ ý, đẩy người nghe và cả âm nhạc tới cao trào mà không hề nao núng. Cách thức này là thể hiện táo bạo và chân thực cho tinh thần người Tây Tạng: một cuộc sống đầy thách thức nhưng luôn tràn ngập niềm vui, sống trọn vẹn trong đức tin đủ đầy và lòng nhiệt thành không mệt mỏi.
Năng lượng tiếp tục lan tỏa vượt ngoài bản nhạc
Khi tiến tới ((2:00)), âm nhạc vào thời điểm này thay vì dừng lại thì sử dụng một giải kết lạc hướng, một kỹ thuật tạo ra kỳ vọng về sự kết thúc, nhưng sau đó bất ngờ xoay chuyển để bản nhạc tiếp diễn trên một hợp âm mới.
Sau đó, dàn nhạc mới đưa chúng ta đến cao trào và phần kết thực sự sau một màn trình diễn đầy đam mê và hoành tráng.
Toàn bộ tác phẩm đều thấm đẫm nhiệt huyết và cảm hứng. Giai điệu và tài nghệ của các nhạc công truyền đạt một cách mạnh mẽ năng lượng tích cực, nâng cao tinh thần người nghe. Là một người khán giả, bạn sẽ không khỏi bị lôi cuốn trước nguồn năng lượng dâng trào này, dường như đang cố gắng truyền tải tinh thần bất khuất của một dân tộc có sức sống mãnh liệt và sự kiên trì đáng ngưỡng mộ. Lúc này, âm nhạc trở thành phương tiện truyền tài câu chuyện về con người Tây Tạng đến khán giả thế giới, từ vẻ đẹp văn hóa truyền thống, lối sống đặc trưng, đến đức tin của họ.
Để trải nghiệm trực quan hơn về chủ đề này, bạn có thể xem màn trình diễn “Vì Thần mà vũ” của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Ở đây, âm nhạc không chỉ để nghe, mà còn để nhìn thấy và cảm nhận. Mỗi động tác, biểu cảm của vũ công làm sống động thêm bản nhạc, mở ra một không gian trải nghiệm đa giác quan, đắm chìm người xem trong văn hóa tinh thần và tâm linh của Tây Tạng. Sự kết hợp giữa vũ điệu nguyên bản của Shen Yun và dàn nhạc giao hưởng đảm bảo sẽ mang đến hiểu biết sâu sắc và trọn vẹn hơn cho bạn.
Và đối với những người yêu nhạc, mong muốn khám phá thêm những sáng tác của Shen Yun, gồm tác phẩm này cùng nhiều tác phẩm khác, đều có thể được tìm thấy và trải nghiệm trực tuyến qua nền tảng Shen Yun Creations (Shen Yun Zuo Pin).