Vào một khoảnh khắc bất chợt, cách đây hàng trăm năm, một người thợ thủ công vô danh đứng trước phiến đá im lìm, lạnh lẽo. Bên ngoài, thế giới vẫn hối hả trôi qua như thể chẳng điều gì quan trọng hơn những gì đôi mắt có thể nhìn thấy. Nhưng đối với người nghệ sĩ ấy, phiến đá trước mặt chưa từng là thứ vô tri, lạnh lùng như nó đang thể hiện.
Đúng tại thời điểm đặc biệt—khi lằn ranh giữa thực tại và giấc mơ bỗng trở nên mơ hồ, người nghệ nhân chợt nhìn thấy một thế giới hoàn toàn khác. Đó không phải thế giới được hình thành từ những tư duy thông thường mà là cảnh tượng của một cảnh giới siêu thường, sáng rõ hơn bất kỳ điều gì ông từng trải nghiệm bằng đôi mắt mở to. Đó là thế giới chỉ được triển hiện khi tâm trí buông bỏ những ràng buộc của lý luận thế tục, để mở ra một cảnh giới sâu xa mà ngôn ngữ trần gian khó lòng mô tả trọn vẹn.
Từ ngàn xưa, con người vẫn luôn cố gắng lý giải về những giấc mơ. Giấc mơ là gì, đến từ đâu, và vì sao đôi lúc chúng có khả năng hé lộ những bí ẩn lớn lao vượt ngoài tầm nhận thức của chúng ta? Đôi khi giấc mơ chỉ là những hình ảnh ngẫu nhiên thoáng qua, nhưng có những giấc mơ lại chứa đựng một sức mạnh kỳ lạ, có khả năng tiên đoán tương lai hay mở đường cho những khám phá quan trọng nhất của con người. Trong văn hóa cổ xưa của nhiều dân tộc, những người có đức hạnh cao và trực giác đặc biệt thường được trao gửi những giấc mơ tiên tri. Họ không tự chọn, nhưng dường như được lựa chọn để trở thành sứ giả, mang theo sứ mệnh truyền đạt lại điều quan trọng từ Thiên Thượng cho cộng đồng và dân tộc của mình. Đó có thể là những cảnh báo, những lời khuyên, hay những chỉ dẫn về tương lai đang đến.
Những ví dụ sống động về sự khai thị thông qua giấc mơ xuất hiện không ít lần trong lịch sử. Người ta vẫn còn kể lại câu chuyện về vị tổng thống Hoa Kỳ đã mơ thấy cảnh tang lễ chính mình một tuần trước khi bị ám sát. Hay gần gũi nhất là về bộ truyện tranh nổi tiếng từ Nhật Bản. Trong đó, tác giả đã mô tả chi tiết những sự kiện tương lai đầy chấn động như thiên tai và dịch bệnh—những điều mà sau nhiều năm, khi xảy ra thực sự, từng sự kiện, từng chi tiết một đã khiến dư luận kinh ngạc về khả năng khó lý giải của giấc mơ. Hay câu chuyện nổi tiếng về một nhà hóa học thế kỷ 19, khi ông vô vọng tìm kiếm cấu trúc hóa học của một phân tử quan trọng, đã tình cờ thấy trong giấc mơ hình ảnh con rắn tự cắn vào đuôi, từ đó ông tìm ra giải pháp đột phá cho vấn đề khoa học hóc búa nhất của mình.
Xuyên suốt lịch sử, những giấc mơ như thế xuất hiện nhiều lần và được ghi chép lại trong các câu chuyện, văn bản, và cả trong nghệ thuật, như những bằng chứng sống động về sự tương thông giữa thế giới con người và một cảnh giới bí ẩn. Trong văn hóa phương Đông, đặc biệt là trong truyền thống Phật giáo và Đạo giáo, giấc mơ luôn được nhìn nhận một cách nghiêm túc, được xem là nơi gặp gỡ giữa thế giới phàm nhân và Thần linh. Đó là những khoảnh khắc mà con người được khai thị những điều quý giá mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống và định hướng tương lai.
Quay trở lại người thợ thủ công năm xưa trong hang đá ấy, giấc mơ của ông đã đưa ông bước vào chính trạng thái kết nối trực tiếp với điều thiêng liêng đó. Trong giấc mơ, ông đã nhìn thấy những bức tượng biến đổi thành những sinh mệnh đầy ánh sáng và sức sống. Chính cơ hội được chứng kiến những hình tượng ấy đã khơi dậy mạch ý tưởng và cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ trong ông. Và điều quan trọng nhất, ông nhận thức được rằng đây là những gì mà nhân gian cần phải biết—điều cần được ông ghi lại một cách cẩn trọng và thành kính, như một sứ mệnh thiêng liêng được trao gửi bởi thế giới cao hơn. Ông tỉnh giấc, nhưng những hình ảnh ấy vẫn không hề tan biến mà càng thêm rõ nét. Với lòng khiêm cung và biết ơn sâu sắc, ông cầm chiếc búa và chiếc đục trong tay, khắc từng đường nét một lên phiến đá như cách ông truyền đạt lại điều mình đã nhìn thấy. Tác phẩm của ông, vì thế, không còn chỉ là sản phẩm của tài năng hay trí tưởng tượng cá nhân nữa—nó đã trở thành một biểu tượng cho sự kết nối giữa con người và Thần linh, và làm sâu sắc hơn niềm tin của con người vào sự hiện diện của Thần. Chính những bức tượng tồn tại mang theo sứ mệnh truyền đạt lại cho người thế gian nhận thức về hình tượng của Thần, nhờ đó cũng mang theo sức mạnh để tồn tại qua thử thách thời gian và biến động lịch sử.
Tác phẩm “Đôn Hoàng” của Dàn nhạc giao hưởng Shen Yun chính là kể lại câu chuyện huyền diệu ấy. Thông qua đó, Shen Yun hé lộ cho chúng ta biết sự thật về động lực và mạch sáng tạo thần kỳ đã hình thành nên những kiệt tác trong Thiên Phật Động kỳ vĩ của Đôn Hoàng.
Một đôi nét về Đôn Hoàng – nguồn cảm hứng phía sau tác phẩm
Đôn Hoàng là một vùng đất nằm ở phía tây tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, được biết đến như một điểm giao thoa quan trọng trên Con đường Tơ lụa cổ đại. Trong lịch sử lâu dài của mình, Đôn Hoàng từng đóng vai trò là cánh cửa giao thương và giao lưu văn hóa giữa các nền văn minh lớn từ phương Đông sang phương Tây. Thế nhưng, điều khiến vùng đất hẻo lánh này trở nên nổi tiếng không chỉ nằm ở vị trí địa lý đặc biệt, mà còn bởi sự tồn tại của một quần thể kiến trúc độc đáo và đồ sộ bậc nhất thế giới Phật giáo: quần thể hang động Mạc Cao, còn gọi là Thiên Phật Động (Hang động Ngàn Phật).

Thiên Phật Động gồm hàng trăm hang động lớn nhỏ, được xây dựng trải dài trên vách đá cát sa mạc từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 14, trong hơn 1000 năm lịch sử. Mỗi hang động là một kiệt tác nghệ thuật riêng biệt với hàng ngàn bức bích họa tinh xảo và vô số tượng Phật được chạm khắc công phu, tinh tế, sống động đến kinh ngạc. Chính những tác phẩm nghệ thuật này đã biến Đôn Hoàng thành một trong những thánh địa quan trọng bậc nhất của nền văn hóa Phật giáo và mỹ thuật nhân loại, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Việc lựa chọn Đôn Hoàng làm chủ đề cho một tác phẩm giao hưởng không đơn thuần vì vẻ đẹp nghệ thuật độc đáo của nó. Lý do sâu xa hơn là bởi vùng đất này chứa đựng một năng lượng tinh thần đặc biệt, hiếm có nơi nào khác trên thế giới sánh được. Tác phẩm giao hưởng “Đôn Hoàng” của Shen Yun lấy nơi này làm chủ đề bởi lẽ, ở đây là minh chứng cho sự hiện hữu của mối liên kết thiêng liêng giữa con người và thế giới Thần linh. Các nghệ sĩ vô danh tại Đôn Hoàng, với lòng thành kính và sự khiêm nhường, đã nhận được linh cảm sáng tác từ cảnh giới siêu việt, để rồi biến những ý niệm thần thánh trở thành những tác phẩm nghệ thuật trường tồn. Nhà soạn nhạc, thông qua tác phẩm này, muốn tái hiện và giải mã sâu sắc chính sự kết nối đó, để người nghe hiện đại cảm nhận rõ nét hơn về giá trị và ý nghĩa đích thực mà nền văn minh cổ đại đã để lại cho chúng ta, qua đó thức tỉnh nhận thức sâu sắc về mục đích tồn tại, sự sáng tạo và ý nghĩa nghệ thuật trong chính cuộc sống con người hôm nay.

Âm vọng trong động cổ và tâm thế thầm lặng của người thợ ẩn hiện qua cấu trúc tiết chế của âm nhạc
((0:45)) Khi mộc bản vang lên từng hồi đều đặn, từng nhịp từng nhịp, ta cảm nhận rõ rệt một không gian thu hẹp dần, dần cô đọng thành nhịp đục đá vọng lại từ sâu bên trong hang động u tịch của người thợ thủ công vô danh. Âm thanh nhỏ bé, giản dị ấy lập tức dựng nên một khung cảnh tĩnh mịch, khiêm nhường nhưng chứa đựng sự tập trung cao độ, sự nhất tâm thuần khiết không chút tạp niệm.
Trên nền nhịp gõ ấy, đàn tỳ bà và các nhạc cụ hơi khẽ rung lên những nét nhạc ngắn ngủi, tiết chế nhưng cũng rất thanh nhã và mảnh mai. Đặc biệt trong dàn nhạc cụ hơi là giai điệu trầm đơn của chiếc kèn cor. Cảm giác “đơn nhất” ấy đã thể hiện trọn vẹn sự kiên định, tĩnh tại, không dao động trong tâm thái người nghệ nhân.
Lớp âm thanh trầm sâu của dàn dây lúc này xuất hiện một cách kín đáo, nhẹ nhàng trải rộng ra như một vùng đất cổ xưa—đậm chất hoang sơ nhưng cũng đầy tính trầm mặc. Không khí mà âm nhạc gợi mở cho chúng ta tại đây không đơn thuần chỉ là sự huyền bí, mà hơn hết là một sự biệt lập rõ nét: đó chính là Đôn Hoàng, vùng đất nơi hang động nằm im lìm bên cạnh dòng chảy thời gian. Trên nền đất cổ kính ấy, những giai điệu nhỏ bé, khiêm cung của các nhạc cụ hơi như những làn gió thoảng qua, càng làm tăng thêm bầu không khí thâm sâu, thần bí.
Cách hòa âm tối giản, điềm đạm của đoạn này được cấu trúc rất rõ ràng, chắc chắn: âm trầm sâu từ dàn dây làm nền, tượng trưng cho thực tại hữu hình—một Đôn Hoàng xa xôi, biệt lập giữa biển cát mênh mông; tiếng mộc bản là hành động cụ thể, chân thực nhất của người thợ thủ công; đàn tỳ bà và các nhạc cụ hơi điểm xuyết như thể hiện dòng suy nghĩ của người thợ khi được bao bọc bởi sự u tịch nơi đây.
Khi tiếng đàn nhị hồ nhẹ nhàng bước vào khoảng ((1:10)), âm sắc đặc trưng của nó ngay lập tức nâng cao thêm cảm giác cổ xưa, bí ẩn. Nhị hồ như dẫn dắt ta từng bước tiến sâu vào tâm thức của người thợ thủ công, người đã lặng lẽ phụng hiến cả đời mình cho những tác phẩm không hề để lại tên tuổi hay dấu vết cá nhân nào, chỉ nhằm mục đích truyền đạt lại sự thiêng liêng mà ông được lĩnh hội.
((1:25)) Ở đoạn này, cả dàn nhạc tái hiện giai điệu vừa rồi rõ nét hơn, nhưng vẫn giữ nguyên trạng thái tiết chế, khiêm tốn vốn có. Các nhạc cụ lúc này vẫn chơi với tiết tấu chậm, không gian âm nhạc được mở rộng một cách cân nhắc. Chỉ có bộ dây lúc này có sự tăng cường âm lượng một chút nhằm nhấn mạnh và làm rõ hơn giai điệu, còn các bộ nhạc cụ khác thì không hề sử dụng hết số lượng và khả năng âm lượng để biểu diễn. Tất cả vẫn duy trì một mức độ nhẹ nhàng, điềm đạm, đúng với tinh thần giản dị, khiêm nhường của chính người thợ thủ công và bản chất vùng đất Đôn Hoàng.
Chính sự tiết chế, vừa đủ này thể hiện một tình cảm tôn trọng đặc biệt đối với lịch sử và những người thợ vô danh tại Đôn Hoàng—những người cả đời âm thầm thực hiện sứ mệnh kết nối con người với thế giới thiêng liêng và để lại cho hậu thế những kiệt tác không thể đo đếm bằng giá trị thông thường.
Bằng cách này, nhà soạn nhạc đã khéo léo sử dụng những chi tiết âm nhạc tưởng chừng nhỏ bé nhất—từ cách dùng mõ gỗ, sự lựa chọn âm sắc của kèn cor, sự nhẹ nhàng và cổ kính của tỳ bà, nhị hồ, cho đến cách tiết chế toàn bộ dàn nhạc để truyền tải một cách chân thực nhất về cảnh giới nội tâm khiêm cung, thành kính và tận tụy của những người thợ tại Đôn Hoàng.
Giới hạn sáng tạo: Điều kiện để linh cảm tiến nhập
((1:47)) Không gian âm thanh được thu hẹp một cách có chủ đích. Những lớp hòa âm cũng theo đó tan dần chỉ còn lại tiếng mộc bản độc lập vang lên như thể nó vẫn luôn tồn tại lặng lẽ ở đó, chỉ là lúc này không còn cảm giác thao tác nồng nhiệt mà là nỗ lực duy trì trước khi tạm dừng. Trong khoảnh khắc này, dàn nhạc sử dụng kỹ thuật giảm dần âm lượng như tái hiện trạng thái nội tâm người thợ khi ông chạm tới giới hạn cuối cùng trong quá trình sáng tạo. Âm thanh chuyển sang mỏng dần, nhẹ đi, từng lớp âm thanh biến mất một cách chậm rãi, mang tính ẩn dụ sâu sắc cho việc nguồn cảm hứng ngày càng hao mòn và không thể khơi dậy trở lại. Lúc này, sự phối hợp giữa các nhạc cụ cũng trở nên tối giản hơn—những nhạc cụ nổi bật trước đó lặng lẽ rút lui, để lại một khoảng không gian tĩnh mịch, khiến người nghe cảm nhận rõ ràng cảm giác trống trải trong nội tâm nghệ nhân.
Khoảnh khắc này, sau bao cố gắng, người thợ thủ công giờ đây đang phải đối diện với một thử thách lớn lao—làm thế nào để tái hiện vẻ đẹp thiêng liêng, cao quý của Đức Phật và thế giới thần linh bằng những công cụ vô cùng hạn chế trong tay mình? Những hình ảnh mà vào thời điểm đó đối với con người vẫn còn khá hạn chế, trong khi sự cao quý vốn có của các vị Thần lại vượt khỏi mọi thứ thế gian, tạo thành vấn đề nan giải cho ông.
Nhưng chính trong khoảnh khắc cực hạn đó lại tạo điều kiện cho một cơ hội đặc biệt. Bởi lẽ, khi người thợ còn cố tìm kiếm trong ngõ cụt, ông vẫn chưa thoát khỏi phạm vi hạn chế của bản thân, vẫn còn mắc kẹt trong sự chật hẹp của khả năng sáng tạo cá nhân. Chỉ khi ông buông bỏ sự cố chấp đó, tạm thời để bản thân thả lỏng, tâm trí có một khoảng trống để nghỉ ngơi, lúc này mới có chỗ để linh cảm tiến nhập vào.
Và rồi, dàn nhạc cũng mô phỏng chân thực khoảnh khắc người thợ thủ công buông xuôi để cho mình một khoảng lặng tại ((2:07)), dàn nhạc hoàn toàn im bặt—một sự tắt lịm của dòng suy nghĩ và mọi nỗ lực đều tạm ngưng. Trong mạch cảm xúc của tác phẩm, đây là điểm tạm ngưng của ý chí sáng tạo khi người thợ dần dần chìm vào giấc ngủ. Những câu hỏi đã được đặt ra trước đó vẫn chưa tìm được hướng giải quyết. Sự trầm mặc lúc này không chỉ nhằm tạo khoảng nghỉ, mà giữ nguyên cảm giác đang dang dở—khi tâm trí bị khóa chặt giữa mong muốn thể hiện và giới hạn của khả năng diễn đạt. Tuy nhiên khoảng lặng này cũng đóng vai trò như một cầu nối giữa hai chiều trạng thái và là chất xúc tác cho sự chuyển biến từ nỗ lực hữu hình sang một cảm ứng siêu hình.
Khi cảnh giới khác hé lộ trước tấm lòng thuần nhất
((2:32)) Tiếng đàn tỳ bà đánh thức mạch âm nhạc bằng một giai điệu thanh khiết, đường nét gọn và sáng. Âm thanh ấy xuất hiện dứt khoát, rõ ràng, đánh dấu bước chuyển sang một cảnh giới khác trong cảm thức của người thợ. Không khí u tịch trước đó đã kết thúc, nhường chỗ cho một hiện hữu mới—nhẹ nhàng, thanh cao, và không còn bị giới hạn bởi nhận thức thông thường.
Giai điệu của tỳ bà được đặt ở cao độ trung, có khoảng nghỉ ngắn giữa các cụm câu, tạo hiệu ứng như từng tia sáng, từng chuyển động, từng gợn linh cảm đang lần lượt lan vào lòng hang. Nhịp giữ đều, âm lượng kiểm soát, nhưng sắc thái luôn hướng lên, gợi cảm giác nâng tâm thức khỏi trạng thái trì trệ vừa qua.
Từ đây, các lớp âm thanh lần lượt tham gia. Nhị hồ xuất hiện để khắc họa các chuyển động dẻo và liền mạch hơn. Với âm sắc ấm, mềm và độ ngân có chiều sâu, nhị hồ không chỉ mở rộng trường không gian, mà còn tạo nên những chuyển tiếp mượt mà giữa các lớp cảm giác. Tại đây, nhị hồ đóng vai trò cấu trúc: vừa bổ sung sắc độ cổ kính cho tỳ bà, vừa dẫn nhạc cảm đi sâu vào chiều nội tâm mang màu cảm ứng. Sáo phát triển những nét giai điệu ngắn, lượn, cao, nhẹ, không chạy theo tuyến giai điệu chính mà bay bổng theo từng cụm âm hình tự do, vừa tạo hiệu ứng như tầng không khí dao động chậm, vừa như phản chiếu từng luồng ánh sáng chạm khẽ trên bề mặt đá. Tất cả cùng thiết lập lại toàn bộ trường không gian: khung cảnh người thợ thủ công thấy trước mắt không còn là bóng tối của hang động, mà là sự hiển lộ tầng tầng lớp lớp của một thế giới khác—thánh khiết, yên định, và sáng rực. Nhờ sự phối hợp tinh tế này: tỳ bà và nhị hồ cùng nhau phác họa hình ảnh các tiên nữ đang múa giữa không trung, tiếng sáo thoáng ẩn thoáng hiện quanh những chuyển động ấy như làn khí thanh khiết bao quanh, làm nổi bật hơn vẻ đẹp huyền diệu của thế giới mà người thợ được chứng kiến.
Không phải ngẫu nhiên mà giấc mơ lại được chọn làm điểm khởi đầu cho sự hiển hiện này. Nó không đến từ ý chí, càng không thể cưỡng cầu và là một thế giới bí ẩn chứa đầy khả năng. Trong trường hợp của người nghệ nhân Đôn Hoàng, giấc mơ xuất hiện vào đúng lúc tâm trí ông chững lại hoàn toàn—không còn nỗ lực, không còn mong cầu. Trong tinh thần “vô cầu nhi tự đắc”—không mong cầu mà tự được—giấc mơ ấy chính là biểu hiện của sự khai mở nhờ vào phẩm chất nội tại đã được tôi luyện qua ngày tháng, không ham danh lợi cùng một tâm hồn trong sáng và thành tâm.
((3:44)) Từ thời điểm này, cấu trúc tổng thể được nâng lên một bậc cùng với đầy đủ lực lượng nhạc cụ. Các nhạc cụ bộ đồng xuất hiện với âm lượng mạnh mẽ, hòa âm mở rộng, vang vọng. Những nét nhạc dày đặc, mạnh mẽ từ các loại kèn như trumpet, trombone,… không chỉ tăng cường âm lượng, mà còn tạo ra một tầng âm thanh sâu và rộng, khiến người nghe ngay lập tức cảm nhận được một sự chuyển đổi từ khung cảnh nhẹ nhàng sang vẻ đồ sộ, choáng ngợp. Bộ gõ—trống timpani, chiêng, và chũm chọe—lần đầu xuất hiện rõ ràng, tạo hiệu ứng âm thanh rất mạnh, chắc chắn, khiến người nghe cảm nhận rõ rệt sự hiện diện uy nghi, rộng lớn của thế giới thần linh.
Những hợp âm trưởng vang sáng gợi rõ sự bao la, rực rỡ, chói lọi của cảnh giới các vị thần Phật đang hiển hiện. Lúc này, người nghe có thể nhận ra sự tương phản tuyệt đối giữa trạng thái giới hạn ban đầu của nghệ nhân và sự vô hạn, uy nghi của thế giới ông đang chứng kiến.
Đối với người thợ, việc được lựa chọn để nhận những khai thị từ thế giới Thần linh cho thấy bản chất thuần phác và chân thành của ông. Chính vì không truy cầu công danh hay tiếng tăm, lại khiến ông trở nên đơn thuần nhất để tiếp nhận những điều này. Đó là một sự lựa chọn đến từ cảnh giới cao hơn, đặt đúng vào một người mang tâm tính thích hợp: không dùng suy nghĩ riêng tư của phàm nhân để chen vào tiếng nói của Thần, mà chỉ làm kẻ truyền đạt trung thực. Vì vậy, ta nhận thấy đây không chỉ là phần thưởng mà sâu xa hơn là một sứ mệnh được ban giao.
((4:14)) Giai điệu chủ đạo vang lên mạnh mẽ, rõ ràng và rực rỡ. Khác với các giai đoạn trước thiên về sự tinh tế, mềm mại của đàn dây và các nhạc cụ truyền thống, tại đây, các nhạc cụ giao hưởng mang tính năng động và mạnh mẽ được khai thác triệt để: trumpet rõ ràng và sắc bén, trombone củng cố cấu trúc bè trầm dày chắc, làm nổi bật hơn tính trang nghiêm và uy nghi của giai điệu. Bộ gõ tại thời điểm này xuất hiện với cường độ mạnh và tập trung, mỗi lần vang lên đều rất quyết đoán và sắc nét—tiếng trống định âm nhấn mạnh trọng âm, xác lập sự ổn định cho nhịp điệu tổng thể, chũm chọe và chiêng xen vào với âm sắc sáng và vang rền, đóng vai trò như những điểm sáng lớn, mô phỏng trực tiếp hào quang lan tỏa quanh hình tượng của các vị Thần. Đoạn cao trào này đã trực tiếp phản ánh khung cảnh lộng lẫy đang diễn ra, cũng tương đương với trạng thái chấn động tâm thức của người thợ thủ công khi thật sự được chứng kiến sự huy hoàng của thế giới mà ông khao khát truyền tải qua nghệ thuật.
Cảnh giới ấy không xuất hiện giữa đô thành phồn hoa, mà chọn hiện hình nơi ốc đảo nằm giữa sa mạc hoang vu—một vị trí lặng lẽ nhưng tĩnh tại. Chính sự tĩnh lặng tuyệt đối và tâm thức không truy cầu mới là nền đất để Thần có thể gieo mầm. Nhờ cách xa chốn xô bồ mà các báu vật ấy càng được bảo vệ tốt hơn trong thời gian dài, giống như viên ngọc quý ẩn mình giữa thế gian. Cũng nhờ vị thế đặc biệt này mà những người từng tìm đến đây, vượt qua điều kiện khắc nghiệt, ẩn mình trong bóng tối hang đá để cần mẫn tạo tác, càng chứng minh được lòng thành của bản thân và làm cảm động Thiên Thượng, từ đó tạo ra cơ duyên được chứng kiến cảnh tượng thiêng liêng và truyền lại cho thế gian.
Hình tượng Phi Thiên là minh chứng sống động cho điều đó. Vốn trước đó không được miêu tả cụ thể trong kinh Phật nhưng sau đó đã được cụ thể hóa trên các bức bích họa trong hang động của Đôn Hoàng. Rồi từ đó làm nguồn cảm hứng để tạo nên điệu múa Phi Thiên nổi tiếng cho vùng đất này. Đây không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng, mà là kết quả của một dạng tri thức được Thần ban truyền, từ đó nâng cao văn hóa, tư duy thẩm mỹ cho nhân loại.
Khắc tạc cảm hứng thần truyền vào đá
Từ đoạn cao trào trước đó đã tạo nên chất xúc tác dồi dào dẫn đến sự biến chuyển tiếp theo vào thời điểm ((4:50)). Động lực giai điệu lúc này được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm diễn tả sự khai mở ý thức và những linh cảm đang tuôn trào trong tâm trí người thợ. Các giai điệu bắt đầu xuất hiện với sắc thái mới, rõ ràng, nhanh nhẹn, đầy sức sống. Tiết tấu nhanh, được thể hiện dứt khoát bằng các cụm âm ngắn gọn, cấu trúc đơn giản và hướng đi lên về cao độ, diễn tả trạng thái hào hứng, phấn khởi của người nghệ nhân khi ông tỉnh giấc, và những hình ảnh vừa chứng kiến trong giấc mơ còn sống động rõ nét trong tâm trí.
Đặc biệt trong cách xây dựng đoạn nhạc này, mỗi cụm giai điệu đều được sắp xếp có trình tự hợp lý, chuyển đổi từ hình ảnh được nhìn thấy sang ý tưởng cụ thể sẽ hình thành trên phiến đá. Những nét nhạc liền mạch, trôi chảy nối tiếp nhau với tốc độ nhanh nhưng không rối, vừa đủ để gợi lên cảm giác như các ý tưởng tuôn ra dồi dào, mạch lạc, đồng thời như để trả lời cho câu hỏi xuất hiện trong lòng người thợ cũng như người nghe ở đầu tác phẩm: “Làm thế nào để tái hiện chân thật hình ảnh linh thiêng của các vị Thần?”—chính là nhờ một khoảnh khắc như vậy, nhờ sự khai thị qua trung gian một giấc mơ, giúp thông suốt tâm trí của ông, khiến ông định hình rõ ràng những việc cần làm để hoàn thành tâm nguyện.
((5:22)) Tới đúng thời điểm này, trạng thái trôi chảy, tuôn trào ý tưởng ban đầu đã chuyển hẳn thành hành động thực tế. Âm nhạc từ nhẹ nhàng, liền mạch giờ đây chuyển sang nhịp điệu chắc chắn, ổn định, các cụm âm hình được lặp lại theo từng nhịp rõ nét, tượng trưng trực tiếp cho hành động người thợ cầm lên chiếc búa và chiếc đục, từng nhát đục cẩn trọng và chắc tay, hiện thực hóa những gì ông vừa chứng kiến trong giấc mơ lên đá.
Tới đây, ta một lần nữa được Shen Yun đưa qua dòng lịch sử, để lật lại những ký ức bị lãng quên và tiết lộ bí ẩn phía sau sự hình thành những tác phẩm kỳ vĩ tại Đôn Hoàng. Thông qua hành trình âm nhạc này, ta đi từ trạng thái trầm mặc, u tịch của người thợ trước bài toán khó khăn khi muốn khắc họa hình tượng thiêng liêng, tới sự khai mở tâm thức trong giấc mơ, rồi tới giây phút vỡ òa khi ông trực tiếp đón nhận cảnh tượng thần kỳ. Shen Yun đã hé mở chính quá trình giao tiếp và tương tác sống động giữa Thần linh và con người – khi người thợ thủ công được giao phó sứ mệnh, thông qua hành động cụ thể để truyền tải lại tri thức, ý niệm và vẻ đẹp siêu nhiên từ cảnh giới cao hơn xuống thế gian.
Khi ta hiểu được nguồn gốc và bản chất của những tác phẩm ở Đôn Hoàng theo cách đó, ta nhận ra chúng không chỉ là di sản văn hóa nghệ thuật đơn thuần, mà sâu xa hơn, chúng là những phương tiện đánh thức con người khỏi giấc mộng dài. Khi người xem đứng trước những tác phẩm ấy, sự sống động và uy nghi không chỉ dừng lại ở cái đẹp thị giác, mà chính sức mạnh nội tại, bắt nguồn từ nguồn cảm hứng thần truyền, có thể thức tỉnh nhận thức cao hơn của họ về ý nghĩa thực sự của cuộc sống và sự tồn tại của bản thân. Đó cũng là sứ mệnh thầm lặng mà những người thợ vô danh ở Đôn Hoàng đã từng đảm nhận.
Vì sao nghệ thuật Đôn Hoàng có thể được bảo tồn lâu đến vậy?
Khi chúng ta chiêm ngưỡng từng đường nét trên những bức tượng, từng mảng bích họa tại Thiên Phật Động của Đôn Hoàng, hẳn không khỏi trầm trồ bởi vẻ đẹp huyền bí cổ xưa thấm đẫm giá trị lịch sử của chúng, mà còn tự hỏi, giữa chốn hoang mạc cách biệt này, làm thế nào những tác phẩm này có thể tồn tại một cách sống động và nguyên vẹn cho đến ngày nay? Liệu điều này chỉ đơn thuần là sự may mắn của lịch sử, hay còn ẩn giấu một bí mật nào đó sâu xa hơn?
Các nghệ nhân vô danh tại Đôn Hoàng chính là những người được định sẵn sẽ nhận lãnh những chỉ dẫn âm thầm, linh cảm và tri thức từ Thiên Thượng. Từng tác phẩm không chỉ đơn giản là sự khéo léo về kỹ thuật, mà hơn hết, chúng hàm chứa trực tiếp nguồn năng lượng và trí tuệ cao siêu hơn. Thông qua tác phẩm âm nhạc “Đôn Hoàng” của Shen Yun, chúng ta được thấy rõ quá trình kỳ diệu đó như đã phân tích ở trên. Từ sự bế tắc trong ý tưởng, đến lúc Thần gieo trồng trực tiếp vào tâm thức người thợ thủ công những ý niệm, nhận thức, tri thức và năng lượng thuần khiết nhất. Từ đó, ông có thể truyền lại cho thế gian và hậu thế những điều ấy thông qua những hình ảnh được điêu khắc chân thật và hiện hữu. Đồng thời, chúng cũng là biểu tượng cho sự kết nối từng rất gần gũi giữa con người và Thần linh trong quá khứ.
Cách điệu múa Phi Thiên nổi tiếng ở đây ra đời cũng tiết lộ rằng, các vị Thần muốn con người có sự hiểu biết và nhận thức rõ ràng về sự tồn tại của các sinh mệnh cao tầng—không phải qua lời giảng, mà thông qua một hình ảnh sống động, uyển chuyển, có thể khắc sâu vào tâm trí người xem.

Khi nhận ra các kiệt tác ở đây không chỉ là nghệ thuật mà còn là minh chứng sống động cho mối liên hệ thật sự giữa con người và Thiên Thượng, chúng ta hiểu ra thế giới thiêng liêng và những điều siêu thường thật sự tồn tại, cũng như lý tưởng của các bậc tu hành không hề mơ hồ. Đôn Hoàng có thể tồn tại lâu dài như vậy không chỉ bởi giá trị văn hóa, lịch sử hay nghệ thuật, mà sâu xa hơn nữa vì nơi đây chứa đầy những hạt giống tri thức mà Thần trao cho con người, một thể hiện cho lòng từ bi mà Thần dành cho con người. Những tri thức, linh cảm, nguồn cảm hứng và sự cho phép con người được thấy đã khiến chúng ta được khai sáng, hồi chuyển tâm ý về phía chân lý của vũ trụ, vững bước trên con đường đề cao cảnh giới chân chính và về với ngôi nhà thực sự của mình.
Cho những ai yêu thích và muốn trải nghiệm thế giới âm nhạc của Shen Yun, các tác phẩm của họ, kể cả tác phẩm tuyệt vời ở trên, đều có thể thưởng thức trực tuyến tại Shen Yun Creations (Shen Yun Zuo Pin).